Mở khí quản có nói được không?

#1
Mở khí quản có nói được không?
Khi nói, luồng khí từ phổi đẩy lên làm các dây thanh âm (thanh quản) rung động, từ đó tạo ra âm thanh và tiếng nói. Khai khí quản thì ngược lại, hầu hết không khí bị chặn lại không đi qua dây thanh âm nữa mà thay vào đó sẽ đi ra ngoài qua ống mở khí quản nên người bệnh không thể nói được.
Tại thời điểm phẫu thuật, ống mở khí quản đầu tiên được đặt trong khí quản sẽ có một quả bóng (cuff).
Nếu bóng mở khí quản được bơm căng, không khí sẽ đi ra ngoài qua ống, ngăn bệnh nhân phát ra âm thanh hoặc nói chuyện.
Nếu bóng mở khí quản được xì hơi, không khí sẽ di chuyển xung quanh ống và đi qua dây thanh âm, nhờ đó bệnh nhân có thể phát ra âm thanh.
Tuy nhiên, hầu hết sau 5 đến 7 ngày bệnh nhân sẽ được thay ống mở khí quản không bóng hoặc nhỏ hơn. Điều này giúp cho việc nói và phát âm trở nên dễ dàng hơn.

Kỹ thuật luyện tập nói cho bệnh nhân mở khí quản
Khi mở khí quản, việc nói sẽ khó hơn trước vì có thể phải dùng nhiều lực hơn để đẩy không khí ra ngoài qua miệng. Lưu ý, nếu sử dụng ống mở khí quản có bóng, thì cần phải xì hơi bóng trước khi thực hành tập nói và phát âm theo các bước sau:
  • Hít một hơi thật sâu.
  • Thở ra sử dụng nhiều lực hơn bình thường để đẩy khí ra ngoài miệng.
  • Đặt một ngón tay sạch bịt kín ống mở khí quản để ngăn không khí thoát ra qua ống.
  • Tập nói.
Ban đầu có thể không nghe được nhiều âm thanh. Nhưng luyện tập thường xuyên sẽ giúp người bệnh có thể đẩy không khí ra ngoài đường miệng mạnh hơn, âm thanh được tạo ra sẽ ngày càng to và rõ ràng hơn.


Van tập nói cho bệnh nhân mở khí quản
Nếu bệnh nhân cảm thấy việc tập nói như trên vẫn khó khăn thì van tập nói có thể là dụng cụ hỗ trợ đắc lực cho họ.
Cách sử dụng van tập nói rất đơn giản, chỉ cần lắp vào đầu ống mở khí quản. Vì đây là van một chiều nên không khí sẽ đi vào đường mở khí quản và thoát ra ngoài qua đường mũi miệng. Điều này sẽ giúp người bệnh phát âm và nói dễ dàng hơn so với việc bịt kín ống mở khí quản bằng ngón tay.
Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể không sử dụng được van nói này. Do đó, bác sĩ trị liệu ngôn ngữ sẽ xem xét cân nhắc trước khi cho người bệnh sử dụng.

Một số lưu ý cho bệnh nhân mở khí quản
Đường kính của ống khai khí quản có thể là nguyên nhân khiến cho việc tập nói bị cản trở vì ống có thể chiếm quá nhiều không gian trong cổ họng, không đủ chỗ cho không khí di chuyển xung quanh ống.
Ngoài ra, ống mở khí quản có cửa sổ sẽ giúp bệnh nhân tập nói dễ dàng hơn vì lỗ cửa sổ trên ống cho phép không khí lọt qua dây thanh âm.
Bệnh nhân có thể mất nhiều thời gian hơn để tập nói trở lại nếu họ bị:
• tổn thương dây thanh âm.
• tổn thương dây thần kinh thanh quản, có thể thay đổi chuyển động của dây thanh âm.
TẢI LIỆU THAM KHẢO
1. Dobkin BH. Neurological rehabilitation. In: Jankovic J, Mazziotta JC, Pomeroy SL, Newman NJ, eds. Bradley and Daroff's Neurology in Clinical Practice. 8th ed. Philadelphia, PA: Elsevier; 2022:chap 55.
2. Greenwood JC, Winters ME. Tracheostomy care. In: Roberts JR, Custalow CB, Thomsen TW, eds. Roberts and Hedges' Clinical Procedures in Emergency Medicine and Acute Care. 7th ed. Philadelphia, PA: Elsevier; 2019:chap 7.
3. Mirza N, Goldberg AN, Simonian MA. Swallowing and communication disorders. In: Lanken PN, Manaker S, Kohl BA, Hanson CW, eds. Intensive Care Unit Manual. 2nd ed. Philadelphia, PA: Elsevier Saunders; 2014:chap 22.
 
Top