Đào tạo kỹ năng sống cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ để trẻ luôn khỏe mạnh và hoạt bát

#1

Các bài học về giao tiếp, chăm sóc bản thân, giải quyết vấn đề, thể hiện quan điểm cá nhân… được vận dụng sáng tạo sẽ tạo hứng thú học tập cho trẻ.

Theo Tổ chức Liên Hiệp Quốc (UNESCO), kỹ năng sống là năng lực cá nhân để thực hiện đầy đủ các chức năng và tham gia vào cuộc sống hàng ngày. Còn Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho rằng, kỹ năng sống mang tính tâm lý xã hội và kỹ năng về giao tiếp, được vận dụng trong nhiều tình huống hằng ngày để tương tác, giải quyết vấn đề của cuộc sống.

WHO cũng chỉ ra, kỹ năng sống được chia thành hai loại gồm kỹ năng tâm lý xã hội và kỹ năng cá nhân. Với trẻ em, kỹ năng sống thúc đẩy quá trình học tập, tư duy sáng tạo, bao gồm hoạt động hỗ trợ giao tiếp, thuyết trình tư duy, ứng xử, ổn định tâm lý, giải quyết vấn đề, kỹ năng vượt qua khó khăn, bế tắc, sinh tồn...

Chăm sóc bản thân

Tự chăm sóc bản thân là một trong những kỹ năng giúp trẻ hình thành tính tự lập ngay từ khi còn nhỏ. Điều này bao gồm thực hiện các nhu cầu cá nhân và vệ sinh cơ bản hàng ngày của trẻ như mặc quần áo, tự ăn, tự đánh răng, đi vệ sinh và chăm sóc đồ dùng cá nhân của họ.

Theo Verywell Family (chuyên trang về mang thai và nuôi dạy con cái của Mỹ), khi trẻ bắt đầu thử một hành động bất kỳ, cha mẹ hãy tập trung vào hành trình (phương pháp) của con, thay vì đích đến (kết quả). Trong thời gian đầu, trẻ sẽ mắc sai lầm. Nhiệm vụ của cha mẹ là khuyến khích, dạy dỗ, không đứng ra thực hiện nhiệm vụ thay cho trẻ.

Chẳng hạn, với việc mặc quần áo, sẽ đòi hỏi sự kiên nhẫn của cả cha mẹ lẫn trẻ. Để thuận tiện cho trẻ mầm non thực hành kỹ năng này, cha mẹ có thể chọn loại quần áo không có nút, khóa kéo hay thắt lưng. Các chuyên gia của Verywell Family khuyến khích, nếu trẻ từ 4 tuổi trở lên vẫn đang ăn bằng tay, cha mẹ hãy đưa cho con nĩa hoặc thìa, giải thích việc bạn muốn con sử dụng những thứ này.

Ngoài ra, có những công việc đơn giản mà trẻ có thể làm nhằm tăng cường tính độc lập, tạo cảm giác hoàn thành công việc ở trẻ. Những trẻ nhỏ hơn có thể giúp cha mẹ dọn dẹp đồ chơi, quét nhà, trong khi trẻ lớn hơn có thể giúp cho thú cưng ăn hoặc dọn dẹp giường sau khi ngủ dậy.

Giải quyết vấn đề

Đại diện Trường ISSP cho rằng, với mỗi đứa trẻ, cha mẹ sẽ là người đồng hành cùng con vượt qua khó khăn, thử thách, giúp con sớm tự lập, hòa nhập môi trường mới. Phụ huynh có thể bắt đầu bằng việc tạo cho trẻ thói quen tự đứng dậy sau khi vấp ngã, để cho trẻ tự giải quyết trước khi quyết định hướng dẫn cho trẻ... Các thói quen nhỏ này sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển của trẻ sau này. Từ đó, trẻ sẽ hình thành ý thức lạc quan, vững tin giải quyết vấn đề trong mọi tình huống, bản lĩnh hơn.

Cùng với đó, cha mẹ cũng có thể dạy cho trẻ về việc nhận diện, phòng tránh nguy hiểm cho bản thân, không nhận đồ từ người lạ, tránh vật hoặc con vật gây nguy hiểm...

Theo cô Alpha Butil, giáo viên trường ISSP, để phát triển bộ kỹ năng giải quyết vấn đề và tự nhận thức cho trẻ mầm non, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ trong quá trình giải quyết vấn đề, đồng thời làm mẫu các kỹ năng giải quyết vấn đề và tích cực. nhận thức. Cha mẹ cần dành thời gian ngồi với con và trò chuyện có chất lượng để các con cùng xử lý với cha mẹ, cùng giải quyết vấn đề bằng cách khám phá nhiều giải pháp khác nhau. Cách tiếp cận này giúp trẻ phát triển tính độc lập.

Giao tiếp

Kỹ năng giao tiếp tập hợp những quy tắc, cách ứng xử, phản hồi... giữa người nói và người nghe nhằm đạt mục đích nhất định.

Để bồi dưỡng kỹ năng xã hội cho trẻ, phụ huynh nên học cách lắng nghe con, thể hiện tình yêu thương trọn vẹn đồng thời dạy con thái độ tôn trọng người khác, cũng như sử dụng ngôn từ chuẩn mực, thân thiện.

Việc chia sẻ, đồng cảm và thường xuyên tổ chức các hoạt động tập thể cùng con cũng là cách để dạy con về kỹ năng giao tiếp. Chẳng hạn, cha mẹ có thể dạy con về việc giúp đỡ, chia sẻ khó khăn với những người có hoàn cảnh kém may mắn như người vô gia cư, trẻ em ở vùng có thiên tai thông qua các hoạt động quyên góp, từ thiện.

Quản lý cảm xúc

Nhóm kỹ năng về quản lý cảm xúc bao gồm kiềm chế cảm xúc, thể hiện quan điểm cá nhân... Nếu được giáo dục đúng, trẻ sẽ có khả năng kiểm soát, chịu trách nhiệm về cảm xúc của mình một cách tốt hơn, trẻ tự nhận biết mình là ai, mong muốn gì, từ đó điều chỉnh cảm xúc bản thân phù hợp hơn.

Để con học được những kỹ năng này, chính phụ huynh sẽ là người làm gương bằng cách biết làm chủ cảm xúc, bình tĩnh khi giải quyết các vấn đề trong sinh hoạt, giao tiếp với trẻ. Khi trẻ có thái độ không đúng mực, phụ huynh hãy cho trẻ thời gian suy xét, giải thích, khuyên răn. Qua đó, trẻ sẽ hiểu được thái độ, cách cư xử và suy nghĩ của mọi người để điều chỉnh cảm xúc bản thân.

Trao quyền cho trẻ em xây dựng việc học của chính các con, đồng thời cho con tiếng nói và sự lựa chọn trong cách học, để mang lại trải nghiệm dạy và học có ý nghĩa, phù hợp và mạnh mẽ hơn. Khi được tự do bày tỏ sở thích, ý kiến và quan điểm của mình, trẻ sẽ học được các kỹ năng đưa ra quyết định, cải thiện tư duy phân tích và kỹ năng giải quyết vấn đề.

Bên cạnh đó, trẻ cũng được trải nghiệm nhiều vai trò khác nhau trong các hoạt động vui chơi hằng ngày, phát huy khả năng tưởng tượng và sáng tạo, học hỏi. Chẳng hạn, khi tham gia trò chơi kéo co, trẻ sẽ biết cách cầm dây khi kéo như thế nào để mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, trẻ cũng cần biết đoàn kết, hợp tác, hiểu ý các thành viên trong đội để quá trình kéo được nhịp nhàng và đều đặn hơn, mang lại kết quả tốt nhất cho cả đội.
 
Top