Khái niệm phá sản và những điều liên quan

#1
Trong nền kinh tế thị trường, bên cạnh các doanh nghiệp kinh doanh có lãi luôn tồn tại các doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Nguyên nhân dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ này rất nhiều như quản lý doanh nghiệp yếu kém, do thay đổi chính sách, pháp luật, do biến động giá của các yếu tố đầu vào hay biến động của tỷ giá hối đoái. Việc làm ăn thua lỗ sẽ dẫn đến không trả được các khoản nợ đến hạn. Các quốc gia khác nhau hoặc ở mỗi quốc gia trong các giai đoạn khác nhau, có cách thức khác nhau để xử lý các con nợ không trả được các khoản nợ. Ban đầu, con nợ có thể bị chủ nợ bắt để cưỡng bức việc trả nợ. Vỡ nợ được xem như là một dạng tội phạm và có thể bị hình phạt tù, thậm chí cả tử hình.

Cho đến trước thế kỷ XVIII con nợ vẫn chưa được xóa nợ cho đến khi thanh toán đầy đủ các khoản nợ. ở Anh, Luật Phá sản 1705 lần đầu tiên quy định việc xoá nợ cho con nợ sau khi tuyên bố phá sản, tuy nhiên, việc xóa nợ chỉ áp dụng đối với các con nợ là thương nhân. Mặc dù được xoá nợ nhưng con nợ vẫn có thể bị cầm tù. Phải đến cuối thế kỷ XIX việc cầm tù con nợ mới bị xoá bỏ. Ngày nay, pháp luật về phá sản ngày càng trở lên quan trọng hơn trên các khía cạnh xã hội, chính trị và đạo đức, mà không chỉ là tối đa hoá việc thanh toán cho các chủ nợ.

Phá sản là một quá trình bao gồm hai thủ tục chính: tái cơ cấu doanh nghiệp mắc nợ (phục hồi hoạt động kinh doanh) và thanh lý tài sản. Chủ nợ và doanh nghiệp mắc nợ có thể lựa chọn một trong hai thủ tục tùy theo điều kiện cụ thể. Ở các nước phương Tây, thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh được nhấn mạnh. Phục hồi hoạt động kinh doanh về bản chất là quá trình thỏa thuận giữa doanh nghiệp mắc nợ và chủ nợ nhằm xây dựng một kế hoạch tái cơ cấu lại doanh nghiệp mắc nợ và lập một kế hoạch trả nợ phù hợp. Trong một số trường hợp, kế hoạch tái cơ cấu có thể dẫn đến việc thay thế bộ máy quản lý, điều hành doanh nghiệp mắc nợ. Thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh cho phép doanh nghiệp mắc nợ tiếp tục hoạt động kinh doanh nhằm đảm bảo cho con nợ có cơ hội thoát khỏi khó khăn về tài chính và do đó tránh được bị tuyên bố phá sản. Ở các nước Châu Á, sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997 dẫn đến việc phá-sản hàng loạt các công ty, thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh đã được quy định cụ thể hơn như là một sự lựa chọn cần thiết cho cả doanh nghiệp mắc nợ và chủ nợ. Vì vậy, một doanh nghiệp mắc nợ bị mở thủ tục phá sản không đồng nghĩa với việc phát mại tài sản và chấm dứt sự tồn tại.

Tham khảo dịch vụ thành lập công ty trọn gói tại TP.HCM.

Dấu hiệu doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản trong pháp luật nước ngoài

Việc xác định dấu hiệu doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản (mất khả năng thanh toán) có ý nghĩa rất quan trọng vì nó mở đầu cho các thủ tục giải quyết phá sản. Pháp luật các quốc gia khác nhau xác định các tiêu chí khác nhau. Tuy nhiên, xu hướng chung các nước trên thế giới hiện nay là xác định thời điểm được coi là mất khả năng thanh toán ngày càng “sớm” hơn để tăng khả năng phục hồi doanh nghiệp cũng như đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp sau khi bị tuyên bố phá sản. Việc xác định một doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán được dựa trên một hoặc cả hai tiêu chí sau đây:

Tiêu chí dòng tiền (cash flow)

Theo tiêu chí này một doanh nghiệp bị coi là lâm vào tình trạng phá sản khi không thanh toán được các khoản nợ đến hạn phải trả. Các khoản nợ ở đây phải là các khoản nợ xác định. Tiêu chí dòng tiền là tiêu chí được áp dụng phổ biến ở các nước theo hệ thống luật Châu Âu lục địa và có lịch sử tồn tại hàng trăm năm.

Tiêu chí bảng cân đối tài khoản (balance sheet)

Theo tiêu chí bảng cân đối tài khoản, một doanh nghiệp bị coi là mất khả năng thanh toán nếu như tổng tài sản của nó ít hơn tổng các khoản nợ. Như vậy, khác với tiêu chí dòng tiền tiêu chí bảng cân đối tài khoản xem xét tất cả các khoản nợ thay vì chỉ các khoản nợ đến hạn trả. Tuy nhiên, khoa học về định giá tài sản được xem như là một môn khoa học không chính xác. Vì vậy, nhược điểm lớn nhất của tiêu chí này là việc định giá tài sản doanh nghiệp không hề dễ dàng, nhất là đối với tài sản vô hình như sáng chế, nhãn hiệu hàng hoá, quyền tác giả v.v... Ngoài ra, đối với những tài sản mà không có tài sản cùng loại được giao dịch trên thị trường thì việc định giá tài sản này chính xác là điều không thể thực hiện được. Ví dụ, người ta sẽ không thể đánh giá chính xác giá trị của tháp Eiffel hay chùa Một Cột là bao nhiêu.

Luật Doanh nghiệp 2020 cũng có bổ sung 1 số điểm mới khi thành lập công ty.

Cả hai tiêu chí dòng tiền và bảng cân đối tài khoản đều có những nhược điểm do đều cần phải có sự phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp mắc nợ mà điều này cần phải tốn thời gian để thực hiện và có thể gây tranh cãi. Vì vậy, một số quốc gia bổ sung thêm một số tiêu chí để xác định doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản dễ dàng và ít tranh cãi hơn - tiêu chí định lượng. Nghĩa là nếu doanh nghiệp không trả được một khoản nợ nhất định khi chủ nợ (hoặc các chủ nợ) yêu cầu trong một khoảng thời gian nhất định thì coi như lâm vào tình trạng phá sản. Ví dụ, Điều Luật mất khả năng thanh toán của Vương quốc Anh năm 1986 quy định nếu một công ty không có khả năng thanh toán một khoản nợ lớn hơn 750 bảng trong thời hạn ba tuần thì bị coi như là lâm vào tình trạng phá sản.
 
Top