Người sử dụng ma tuý bị phạt như thế nào?

#1
Các tội phạm liên quan đến ma tuý thường rất phức tạp. Người sử dụng ma tuý có được xem là tội phạm hay không? Và người sử dụng ma tuý bị phạt như thế nào?
1. Người sử dụng ma tuý
Người sử dụng trái phép chất ma tuý là người có hành vi sử dụng chất ma tuý mà không được sự cho phép của cơ quan nhà nước có chức năng và xét nghiệm có kết quả dương tính với ma tuý trong cơ thể.
Những trường hợp sau thì tiến hành xét nghiệm chất ma tuý có trong cơ thể:
  • Bắt quả tang sử dụng trái phép chất ma tuý;
  • Kết luận của cơ quan có thẩm quyền cho rằng có hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý;
  • Người đang thực hiện các biện pháp xử lý do sử dụng trái phép chất ma tuý trước đó.
Việc sử dụng ma tuý có thể dẫn đến các tệ nạn xã hội, gia tăng các tội phạm, ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội. Ngoài ra, sử dụng ma tuý còn kéo theo sự phát triển của các tội phạm khác như trộm cắp, cờ bạc, mại dâm,….
Việc sử dụng chất ma tuý gây ra những tác hại cho sức khoẻ như: làm tổn thương đường hô hấp, làm suy yếu phổi dẫn đến việc dễ mắc các bệnh về phổi như nhiễm trùng; nhiễm trùng đường tiêm, áp xe hoặc nhiễm trùng máu; không tập trung vào công việc, học tập
Các hình thức sử dụng ma tuý: nuốt, hít, hút, ngửi, tiêm bắp, tiêm dưới da, tiêm tĩnh mạch, ngậm dưới lưỡi,…
Sử dụng ma tuý.
2. Người sử dụng ma tuý bị phạt như thế nào?
Theo quy định của Bộ Luật Hình sự thì không có tội danh cho hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý.
Hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi đi kèm với các hành vi như tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý mà thôi.
Việc sử dụng trái phép chất ma tuý tuy không phải là tội phạm nhưng vẫn bị xử lý theo quy định pháp luật hành chính vì đây bản chất vẫn là hành vi gây ra nhiều hệ luỵ cho xã hội.
Căn cứ theo khoản 1 và 2 Nghị định số 167/2013/NĐ CP về việc vi phạm các quy định về phòng, chống và kiểm soát ma túy:
  • Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy;
  • Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Tàng trữ, vận chuyển hoặc chiếm đoạt chất ma túy trái phép; Tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy; Sản xuất, mua, bán những dụng cụ sử dụng chất ma túy trái quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Luật phòng chống ma túy 2000 (sửa đổi 2008):
– Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
– Việc đưa người nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện bắt buộc được thực hiện theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Thời hạn cai nghiện ma tuý tại cơ sở cai nghiện bắt buộc từ một năm đến hai năm.
Như vậy, người nào có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị phạt hành chính mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Người sử dụng ma túy sẽ bị phạt tiền 500.000 – 1.000.000 đồng. Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã được cai nghiện tại gia đình, cộng đồng hoặc đã được giáo dục nhiều lần tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc không có nơi cư trú nhất định phải được đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Đồng thời người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy mà có hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chứa chấp, … được quy định tại chương XX Bộ luật Hình sự hiện hành thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội phạm mà pháp luật có quy định.
Người sử dụng ma tuý bị phạt như thế nào?
3. Quản lý người sử dụng trái phép chất ma tuý
Đây là một trong những biện pháp phòng ngừa giúp người sử dụng ma tuý cai nghiện và tái hoà nhập cộng đồng.
Thời hạn quản lý là 01 năm kể từ ngày ra quyết định.
Người đưa ra quyết định là chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp xã. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xét nghiệm dương tính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm ra quyết định và tổ chức quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy cư trú tại địa phương.
Các biện pháp quản lý bao gồm:
  • Xét nghiệm chất ma tuý trong cơ thể;
  • Tư vấn, giáo dục, tạo điều kiện để người sử dụng ma tuý cai nghiện, tái hoà nhập cộng đồng;
  • Ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật khác của người sử dụng ma tuý.

Xem thêm: https://luatsutotung.com/nguoi-su-dung-ma-tuy-bi-phat-nhu-the-nao.html
 
Top